Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt thể hiện sự phong phú tập tục sinh hoạt văn hoá, những quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của con người trong nền nông nghiệp đặc trưng. Người miền Nam, theo bước chân “mở cõi”, là bộ phận hình thành nên những nền nếp sinh hoạt văn hoá tâm linh sau chót và cũng là sự phối trộn hết sức đa dạng của nhiều dòng văn hoá. Với chủ thể là người Kinh, Hoa và Khmer, tập tục thờ cúng ở từng nơi, từng vùng có đôi nét khác biệt, nhưng tựu chung lại vẫn có những đặc điểm chung.
Thờ cúng tổ tiên bắt nguồn sâu xa từ truyền thống phụ quyền của nền sản xuất nông nghiệp. Ðiều này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, người con sẽ được cha, mẹ để lại đất đai, tiếp tục kế thừa hương hoả để sinh sống. Ðó là về khía cạnh kinh tế, còn về khía cạnh tình cảm, cha mẹ, tổ tiên là đấng sinh thành, là cội nguồn để hình thành nên các thế hệ tiếp nối. Thờ cúng tổ tiên về sau khi tiếp nhập với triết lý Nho giáo, đề cao vai trò hạt nhân của gia đình, gia tộc, trở thành khuôn mẫu bất di, bất dịch. Thêm nữa, những lý luận về tam cương, ngũ thường trở thành các mối quan hệ trọng yếu trong xã hội, thờ cúng tổ tiên vì thế càng có ý nghĩa trọng đại.
Người dân Bắc bộ thường có nhà thờ họ – nơi thờ ông bà tổ tiên của dòng họ mình. Trong Nam ít có nhà thờ họ mà lại có nhà Từ đường – nơi giữ hương hỏa của dòng họ. Từ đường thường là ngôi nhà mà ông bà, cha mẹ thuở sanh tiền ở với người con trai, thường là con trai út. Theo truyền thống của người Nam bộ, con trai út là người giữ hương hỏa, lo việc thờ cúng tổ tiên. Giỗ chạp của ông bà thường được tổ chức ở Từ đường và do người con trai út đứng ra lo toan mọi sự, dĩ nhiên có sự tiếp giúp của anh chị em và bà con dòng họ.
Lúc xưa, nhiều người, nhất là trẻ con rất háo hức chờ đến ngày giỗ (còn gọi là ngày cúng cơm, kỵ cơm) ông bà. Ngoài dịp Tết, giỗ là dịp để anh em, bà con tụ họp về đông đủ nhất. Buổi chiều trước ngày đám giỗ, anh chị em cùng nhau nấu mâm cơm đơn giản, thường là nấu những món mà thuở sanh tiền, cha (mẹ) thích ăn nhất để cúng, gọi là cúng “tiên thường”. Buổi cúng này không có người ngoài mà chỉ có anh chị em, con cháu cật ruột. Cúng xong, anh chị em, con cháu cùng nhau ăn rồi ngồi lại bên nhau ôn lại những kỷ niệm, công đức của người quá cố như để tri ân và lấy đó mà khuyên dạy con cháu. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc làm ăn của nhau trong sợi dây tình thân “anh em một nhà”. Ngày chánh giỗ, phần lễ đốt nhang tưởng nhớ ông bà thường là do người giữ hương hỏa chủ sự. Người này ăn mặc tươm tất (thời xưa thường là phải áo dài, khăn đóng, guốc mộc) lấy nhang đốt từ ngọn lửa của cây đèn dầu hột vịt – lửa hương hỏa (không sử dụng hột quẹt hay que diêm và tối kỵ đốt bằng ngọn lửa từ bếp lò) rồi phân phát cho mọi người. Đám giỗ thường đãi ăn đơn giản và ít khách, chỉ mời bà con và những người thân tín với gia đình. Tuy vậy, đám gọi là “nhỏ nhỏ” của một gia đình ở Nam bộ xưa thường cũng ngót hơn chục mâm bởi bà con đông. Đám giỗ của người Nam bộ thể hiện rất đậm nét tinh thần “cây cội nước nguồn” và sự đoàn kết trong bà con, dòng họ.
Trong nhà của người Nam Bộ, còn một số loại tập tục thờ cúng khá đặc trưng và đi đâu cũng có thể gặp. Ðầu tiên đó là bàn thờ ông Thiên (thông thiên), một dạng thờ trời đất. Chỗ thờ đơn giản là một trụ cắm, trên có mặt bàn nhỏ để lư hương đồng, vài cái ly uống nước trà nhỏ. Thường, gia chủ đêm đêm thắp nhang, tới ngày rằm, ba mươi thì có thêm bông trang, bông vạn thọ, hoặc đĩa bánh. Kế đến là bàn thờ Thần Tài, Thổ Ðịa. So quy cách thờ cúng của miền Bắc, Trung, hình thức thờ cúng có nhiều điểm khác biệt. Người trong Nam thờ tượng Thần Tài, Thổ Ðịa chung với nhau, và thường đặt dưới đất ở trong các gia đình. Theo thời gian, bàn thờ các vị này treo thêm tỏi, gắn thêm tiền thật, và được gia chủ thắp nhang hằng đêm. Những dịp lễ, Tết thì có thêm các vật phẩm thờ cúng.
Lư đồng thập thọ dơi mây được đúc thủ công tại xưởng của Đúc Đồng Bảo Long
Ở mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên luôn là nơi thiêng liêng, tôn kính nhất. Bàn thờ được đặt ở chánh diện của ngôi nhà, ở gian nhà lớn hay nhà trước, hướng ra cửa cái. Người xưa quan niệm, khách bước vào nhà sẽ đánh giá được phần nào tâm tính của gia chủ qua bàn thờ gia tiên. Việc bài trí các vật dụng trên bàn thờ cũng được sắp đặt theo một khuôn mẫu nhất định. Ngày xưa, trên mỗi bàn thờ của người dân Nam bộ thường có đầy đủ “ngũ sự”, gồm các đồ thờ cúng bằng đồng sau: Lư hương đồng, hai chân đèn, lọ lục bình cắm hoa và một ống bằng đồng dùng đựng nhang. Lư dùng đốt (xông) trầm hương mà bà con quen gọi là lư hương, phần lớn được đúc bằng đồng, đặt ở ngay trung tâm của bàn thờ. Lư hương được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng, chênh lệch… bởi đó là điều tối kỵ. Hình dáng của lư hương cũng rất đa dạng, phổ biến là lư đồng mắt cua, lư mắt tre, trong Nam lại có loại lư mà bà con quen gọi là lư hương trái bần (do giống hình dáng của trái bần). Tuy nhiên, do trầm hương là thứ đắt tiền, gia đình khá giả mới có khả năng mua còn phần đông những gia đình xưa thường chỉ trưng bày lư hương cho đẹp chứ rất hiếm xông hương. Bà con thay vào đó là hai cái vùa hương để cắm nhang. Hai bên lư hương là hai chân đèn mà theo nhà văn Sơn Nam là tượng trưng cho âm – dương cân xứng, giao hòa. Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau. Một bên phía trong chân đèn là cái bình dùng cắm hoa tươi. Tuy nhiên, do một số vùng quê rất khó kiếm được hoa tươi nên bà con thường trưng vài nhánh trường sinh (một loài cây thủy sinh) vừa tiện lợi mà lại ý nghĩa. Một bên bàn thờ là một ống cây bằng gỗ hoặc đồng dùng để đựng nhang. Có một vật ngoài “ngũ sự” nhưng lại rất quan trọng trên mỗi bàn thờ đó chính là cây đèn dầu hột vịt (ống khói chắn gió có hình quả trứng vịt), vặn lửa nhỏ “liu riu” (còn gọi là chong đèn), vừa để tiện đốt nhang và cũng để giữ lửa. Ngoài ra, trong những ngày tết đến xuân sang hay tại ban thờ của các gia đình Nam Bộ khá giả thì bộ hoành phi câu đối bằng đồng là vật phẩm phong thủy không thể thiếu. Trên bàn thờ thường có dĩa trái cây, người Nam bộ quan niệm dĩa trái cây này không cần đắt tiền, hoa mỹ mà chỉ là cây nhà lá vườn, “sản vật” của gia đình dâng lên ông bà. Bàn thờ luôn được trang hoàng, lau chùi dọn dẹp thường xuyên.
Bộ hoành phi câu đối cao cấp mạ vàng 24k của Đúc Đồng Bảo Long
Điều khác biệt lớn nhất giữa bàn thờ ngày xưa và hiện nay của người Nam bộ là người xưa thường thờ ông bà bằng “Thần chủ” (chữ dùng của nhà văn Sơn Nam) mà nhiều người quen gọi là “Bài vị”. Đó là một tấm gỗ quý được chạm trổ tỉ mỉ và khắc các “dữ kiện”: tên tuổi, năm sinh, năm mất, quê quán, chức vị, phẩm trật xã hội… để con cháu nhớ đến. Ngày nay, “thần chủ” được thay bằng di ảnh của người quá cố, phần dưới thường ghi đơn giản tên và năm sinh, năm mất. Phía trong cùng bàn thờ, bà con thường treo tranh thờ là một bức tranh khổ lớn, thường thấy nhất là tranh cảnh sơn thủy hay hình ảnh một gốc tre già và những mụt măng lô nhô phía dưới để làm nền cho những chữ Hán khổ lớn, thường là các chữ: “Từ đường”, “Cửu huyền thất tổ”…, trên cùng thường thấy nhất là ba chữ “Đức – Lưu – Phương” (Hương thơm công đức của tổ tiên còn ngào ngạt đến thế hệ cháu con). Bàn thờ trong mỗi nhà vừa thể hiện sự tôn nghiêm, kính cẩn lại thể hiện “đẳng cấp” của gia chủ.
Bộ đồ thờ khảm tam khí đỉnh rồng phượng cao cấp
Có thể nói, từ sự tiếp nhận văn hoá, sự thích ứng với điều kiện thực tế, người Nam Bộ vẫn giữ lại những hình thức thờ cúng tại gia tương đối phổ biến của người Việt Nam, nhưng đơn giản hơn, tinh gọn hơn và cũng có nhiều thay đổi qua thời gian. Một điều chắc chắn rằng, trong tâm thức của người dân nơi đây, công ơn của tổ tiên, niềm tin vào những vị gia thần, ước mong có cuộc sống bình an, làm ăn phát đạt luôn là những điểm tựa vững chắc, trường tồn. Thờ cúng là nét đẹp văn hoá, tạo sự gắn kết cộng đồng hơn, hướng con người đến những điều tốt đẹp. Cũng từ trong quá trình này, những điều không hợp lý, lạc hậu cũng sẽ dần bị đào thải để các nghi thức trở nên tinh gọn.
Hiện tại cơ sở Đúc Đồng Bảo Long có nhiều showroom trưng bày và bán hàng, với uy tín của chúng tôi, hiện này chúng tôi đã được khách hàng trong cả nước cũng như nước ngoài đặt mua rất nhiều sản phẩm qua kênh COD (khách hàng nhận hàng và thanh toán tiền mặt) vì vậy quý khách hàng có nhu cầu sở hữu những bộ Đồ thờ cúng bằng đồng như thế này hãy liên hệ ngay cho chúng tôi. Xin cảm ơn!